Bẫy phân biệt một người có tính hướng nội nếu chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài.
- toivatinhhuongnoi
- Feb 8
- 7 min read
Ngày nay, khái niệm hướng nội và hướng ngoại rất phổ biến và được các bạn trẻ sử dụng khá nhiều trong việc định nghĩa bản thân. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ về bản chất của tính hướng nội, đặc biệt là mối liên hệ mật thiết giữa tính hướng nội và cách họ quản lý năng lượng. Chính sự thiếu hiểu biết này dẫn đến những nhận định sai lầm khi đánh giá người có tính hướng nội chỉ qua vẻ bề ngoài.
Nhắc lại một chút về định nghĩa người có tính hướng nội: Họ sạc lại năng lượng từ bên trong thông qua suy tư, đọc sách, hoạt động một mình và thường cảm thấy kiệt sức sau các tương tác xã hội kéo dài. Ngược lại, người có tính hướng ngoại nạp năng lượng từ bên ngoài, thông tương tác xã hội, hoạt động nhóm.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người có tính hướng nội luôn khép kín và né tránh các hoạt động xã hội. Họ vẫn có thể tham gia và thậm chí là tỏa sáng trong các sự kiện đông người, say sưa nói chuyện hàng giờ về chủ đề yêu thích, hay dẫn dắt một nhóm nhỏ tùy thuộc vào mức năng lượng và hoàn cảnh giao tiếp.
Vậy, đâu là những lầm tưởng phổ biến khi đánh giá người có tính hướng nội chỉ qua vẻ bề ngoài? Dưới đây là 3 nhận định thường gặp liên quan đến biểu hiện bên ngoài.
1. Người có tính hướng nội là người trầm tính, ít nói.
Đây là một trong những lầm tưởng phổ biến nhất. Người có tính hướng nội có thể trầm tính, ít nói trong môi trường không thân thiết hoặc khi chưa tìm được điểm chung. Họ thường quan sát, lắng nghe và chỉ nói khi thấy ý kiến của mình thực sự hữu ích. Việc im lặng trong một số tình huống có thể chỉ đơn giản là họ đang làm quen với môi trường hoặc đang muốn bảo tồn năng lượng.
Ngược lại, họ có thể rất hoạt ngôn và sôi nổi khi nói về chủ đề yêu thích hoặc khi ở trong môi trường thoải mái, gần gũi. Lúc này, họ đang ở trạng thái năng lượng cao. Môi trường thân thiết, an toàn cho phép họ tự do thể hiện bản thân mà không lo bị mất năng lượng, thậm chí còn được "sạc" thêm năng lượng.
Chính sự khác biệt trong cách thể hiện này đôi khi khiến người có tính hướng nội và những người xung quanh cảm thấy khó hiểu. Dưới góc nhìn năng lượng, mọi thứ trở nên rõ ràng: Khi người có tính hướng nội thu mình, ít nói, có nghĩa là họ đang bảo tồn năng lượng ở môi trường không quen thuộc. Ở chiều ngược lại, họ tự do là chính mình, tràn đầy năng lượng ở môi trường thân thiết, an toàn.
Nhiều người có tính hướng nội có kỹ năng quản lý năng lượng tốt, tự tin vào bản thân, sẽ luôn hoạt bát, năng động và thường xuyên đứng ra chia sẻ. Nhưng sau các hoạt động kết nối, họ sẽ dành khoảng không gian riêng cho bản thân để nạp lại năng lượng. Họ biết cần giữ mình ở trạng thái năng lượng cao để tiếp tục kết nối và chia sẻ.
Như vậy, hành vi bên ngoài như nói ít - nói nhiều, trầm tính - hoạt bát chỉ là biểu hiện bên ngoài tùy theo hoàn cảnh và trạng thái năng lượng. Cần quan sát thêm cách người đó nạp lại và quản lý năng lượng để xác định đúng một người có xu hướng hướng nội mạnh.
2. Người có tính hướng nội rất kín đáo, khó gần gũi, khó hiểu.
Bạn có từng e ngại khi bắt chuyện với một người có vẻ hướng nội?
Ở một chừng mực nào đó, một người có tính hướng nội sẽ không chủ động làm quen, kết nối, chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân cho những người mới gặp hay không thân thiết. Điều đó thể hiện sự trân trọng và có sự sắp xếp trong cách mà họ muốn tương tác chứ không hàm ý họ khó gần. Nếu bạn dành thời gian đủ nhiều, đủ chậm thì bạn sẽ thấy, họ cực kỳ dễ thương, thân thiện và chân thành, thậm chí là dí dỏm nữa.
Người có tính hướng nội trân trọng chất lượng các mối quan hệ hơn là số lượng. Họ tập trung chăm sóc những điều mà họ cho là có giá trị chứ không chạy theo bề nổi và số đông. Vì thế, khi chưa biết gì về bạn, họ có thể kín tiếng, ít chia sẻ, lắng nghe nhiều hơn cho đến khi cả hai có sự kết nối.
Câu chuyện của bố tôi có thể là một ví dụ. Trong mắt tôi, bố là người rất khó gần. Gương mặt ông luôn nghiêm khắc. Từ khi còn nhỏ, tôi không bao giờ dám nhõng nhẽo trước mặt ông. Trong rất nhiều năm, tôi luôn cảm thấy khó khăn khi bắt đầu trò chuyện. Tôi từng được nghe hàng xóm hay một số đồng nghiệp của bố chia sẻ: “Bác khó tính lắm!” để củng cố cho niềm tin của mình. Sau này, khi quan sát ông đủ nhiều, tôi thấy ông có rất nhiều mối quan hệ thân thiết. Tôi cũng thấy ông có những cuộc trò chuyện rất lâu và sâu với họ hàng, đồng nghiệp và hàng xóm xung quanh. Và sau này, tôi cũng được nghe thêm những chia sẻ: “Bác bên ngoài trong khó gần nhưng rất tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người!”
Như vây, một người có tính hướng nội có thể tạo ra cảm giác khó gần giai đoạn đầu tiếp xúc. Bạn cần cho họ thời gian để đủ làm quen với sự hiện diện của bạn, đặt bạn vào an toàn của họ. Khi đó, họ sẽ mở lòng và chia sẻ chân thành với bạn.
3. Người có tính hướng nội là người nhút nhát.
Hướng nội và nhút nhát thường bị nhầm lẫn, nhưng chúng không giống nhau. Nhút nhát là cảm giác sợ hãi, không thoải mái hay mất tự chủ trong tương tác xã hội. Cả người có tính hướng ngoại cũng có những cảm xúc này trong những môi trường mà họ không cảm thấy thoải mái hay không tự tin. Tính hướng nội quản lý cách con người sạc lại năng lượng. Tính hướng nội có tác động của cấu trúc, hoạt động não bộ và của các chất dẫn truyền thần kinh như actylcholine và dopamine như đã chia sẻ ở bài viết liên quan đến từ khóa Một Mình
Bạn có thể bị nhầm lẫn hai đặc điểm này, đặc biệt khi quan sát trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ có tính hướng nội thường mất nhiều thời gian hơn để thích nghi với môi trường mới nên bị đánh giá chung là nhút nhát. Vì thế, vô tình tính hướng nội mang hàm ý là nhút nhát.
Câu chuyện của tôi ngày nhỏ là một ví dụ điển hình. Tôi không biết mình hướng nội nhưng biết mình rất nhút nhát. Khi đến nhà ai chơi, thậm chí lâu lâu về quê ngoại, tôi không bao giờ chào hỏi mọi người ngay khi gặp. Tôi cảm thấy họ quá xa lạ với mình và tôi cần thời gian để làm quen. Nhưng câu nói mà tôi thường được nghe, là câu giải thích, đồng thời là xin lỗi ngầm: “Con bé này nhát lắm!”. Lời nói này đi theo tôi rất nhiều năm sau đó, tôi biết mình nhút nhát. Tôi sợ ánh mắt, lời nói từ thế giới bên ngoài hướng về mình. Nghĩ đến đó đã khiến tôi lại càng thu mình, hồi hộp, run rẩy khi trình bày, hay xuất hiện trước đám đông. Sau này, khi hiểu về tính hướng nội, tôi biết mình vừa hướng nội, vừa nhút nhát.
Đừng đánh đồng hướng nội với nhút nhát. Một người nhút nhát sẽ sợ xuất hiện trong đám đông vì người ấy sợ mọi người đánh giá, phán xét về hành vi, thái độ, lời nói, cử chỉ của bản thân. Còn một người có tính hướng nội từ chối hay ngại xuất hiện trong đám đông vì đó là hoạt động làm cho họ cảm thấy mất đi năng lượng.
Hướng nội và nhút nhát có tác động qua lại lẫn nhau. Một người có tính hướng nội với năng lượng hay nội lực thấp, dễ trồi sụt sẽ đẩy đến tình trạng tự ti và nhút nhát, né tránh thậm chí sợ giao tiếp. Tương tự, một người nhút nhát lại có tính hướng nội mạnh thì sẽ lại càng căng thẳng, mệt mỏi khi xuất hiện trong đám đông.
Vượt qua thách thức của tính hướng nội và vượt qua sự tự ti, nhút nhát cần những kỹ năng riêng. Nhưng trước hết, hãy chắc chắn rằng, bạn hiểu rõ về tính hướng nội hay sự nhút nhát của bản thân để tìm kiếm những giải pháp phù hợp.
KẾT LUẬN
Đừng vội đánh giá người có tính hướng nội chỉ qua vẻ bề ngoài hay hành vi xã hội. Hãy thấu hiểu họ dựa trên cách họ quản lý và sạc lại năng lượng.
Người có tính hướng nội ở trạng thái năng lượng cao, có mục đích sống rõ ràng, nhiều kỹ năng và tự tin vào bản thân sẽ thoải mái thể hiện, nói và chia sẻ nhiều với mọi người, dù trong nhóm nhỏ hay trong một đám đông. Một người có tính hướng nội còn chưa thực sự tự tin vào bản thân sẽ tìm cách né tránh, ít nói, ít chia sẻ.
Khi hiểu rõ điều này, chúng ta có thể xây dựng những mối quan hệ chất lượng hơn với họ, và tạo ra một môi trường mà ở đó, cả người có tính hướng nội và hướng ngoại đều có thể thoải mái là chính mình.
Comments