top of page

Dòng chảy lịch sử trong định nghĩa về tính hướng nội/người có tính hướng nội.

Hiểu đúng định nghĩa về tính hướng nội mở ra cơ hội phát triển mới


Khái niệm hướng nội/hướng ngoại được đưa ra lần đầu tiên bởi nhà nhà tâm lý học Sigmund Freud. Freud cho rằng tính hướng nội là một bệnh lý hay một dạng của rối loạn thần kinh. Tuy nhiên, học trò của Freud, nhà tâm lý học Carl Jung lại không đồng ý với khái niệm này. Ông nghiên cứu, quan sát và đưa ra định nghĩa về tính hướng nội liên quan đến cách sạc đầy năng lượng tinh thần. Qua đó, người có tính hướng nội mạnh là người có xu hướng sạc lại năng lượng khi ở một mình. Đó là câu chuyện của những năm 1920, tức là cách đây hơn một thế kỷ.


Nhiều năm sau, đề tài về tính hướng nội và hướng ngoại vẫn rất nóng hổi và thu hút nghiên cứu của nhiều nhà khoa học thế hệ sau ông.


Hans Eysenck, một nhà tâm lý học người Đức gốc Anh, đã đưa thêm tính hòa đồng vào trong cuộc thảo luận về tính cách. Ông mô tả người có tính hướng ngoại bằng các tính từ: hòa đồng, nhiệt tình và bốc đồng. Eysenck coi hướng nội là đối lập với hướng ngoại. Với định nghĩa này, người có tính hướng nội được mô tả bằng những từ trái ngược bao gồm “không thể hòa đồng”, “không nhiệt tình”, “xa cách”.


Song song đó, các nhà lý thuyết tính cách đã phát triển, trong đó nổi bật là lý thuyết “The Big Five” (tạm dịch “Năm yếu tố lớn của tính cách”). Năm yếu này bao gồm: Cởi mở, Tận tâm, Tính dễ chịu và Tính nhiễu tâm và Tính Hướng ngoại. Như vậy, tính hướng ngoại và nghịch đảo của nó là hướng nội, là một trong số năm đặc điểm quan trọng được mô tả trong thuyết này.


Trong mô hình này, người có tính hướng ngoại được mô tả với sáu khía cạnh: nồng nhiệt, hòa đồng, sự quyết đoán, hoạt động, tìm kiếm sự phấn khích và cảm xúc tích cực. Một lần nữa, nếu suy lại cho tính hướng nội thì các tính từ mô tả sẽ là: lạnh lùng, ít nói, nguyên tắc, tĩnh lặng, thiếu nhiệt huyết và gắt gỏng.


Trên đây là góc nhìn từ phía các nhà khoa học. Chữ “hướng nội” mang hàm ý hướng vào bên trong, nên trong thực tế, còn có rất nhiều góc nhìn cá nhân về đặc điểm tính cách này.

Ví dụ, nếu chọn hướng tâm trí vào bên trong thì định nghĩa người có tính hướng nội là những người sống nội tâm, giấu kín suy nghĩ trong đầu. Nếu chọn việc tương tác với thế giới thì người có tính hướng nội sẽ là người ít giao tiếp, sống khép kín, ít nói, ít mối quan hệ xã hội.

Như vậy, định nghĩa về tính hướng nội/hướng ngoại cũng trải qua rất nhiều thăng trầm với những khái niệm và luận chứng khác nhau. Trong các định nghĩa khoa học ở trên, định nghĩa của Carl Jung được nhiều người có tính hướng nội ủng hộ vì phản ánh chân thật bản chất những gì mà họ đã trải qua. Bản thân mình sau quá trình trải nghiệm, quan sát và phản tư, mình cũng hoàn toàn ủng hộ định nghĩa về tính hướng nội/người có tính hướng nội theo cách của Carl Jung.


Lần đầu tiên mình tiếp xúc đến khái niệm hướng nội của Jung là từ cuốn sách “Hướng nội” của tác giả Susan Cain. Khi đọc cuốn sách, mình được dẫn dắt đến những biểu hiện của một người có tính hướng nội về mặt năng lượng. Mình dần nhận ra bản thân là một phần của cuốn sách. Nói rõ ra người có tính hướng nội mạnh mẽ, đặc trưng. Cảm giác như bừng tỉnh vì thực tế, bản thân chưa bao giờ nghĩ mình là người có thiên hướng tính cách hướng nội và cũng chưa từng tìm kiếm để hiểu về đặc điểm tính cách này. Giống như chia sẻ ở trên, định nghĩa cá nhân về người hướng nội là người sống nội tâm, ít nói, ít thể hiện và giao tiếp với thế giới bên ngoài. Trái ngược là với những niềm tin ban đầu về người có tính hướng nội, thông qua định nghĩa của Carl Jung, mình nhìn rõ bản thân rất thích và cảm thấy thoải mái khi ở một mình, dù trong khoảng thời thời gian dài. Và sau những ngày làm việc căng thẳng, thứ mình cần là một khoảng không yên tĩnh chứ không phải đắm mình trong những quán ăn đông người, tụ tập hát karaoke ồn ào trong phòng kín và thậm chí, kể cả tiệc gia đình lớn đông đúc cũng khiến bản thân cảm thấy mệt mỏi. Mình chính là một ví dụ điển hình của một người sạc lại năng lượng khi ở một mình trong định nghĩa của Carl Jung.


Định nghĩa của Jung về người có tính hướng nội ngắn gọn nhưng sâu sắc và phản ánh một cách chân thật nhu cầu cần thiết của tất cả người có tính hướng nội mạnh. Mặc dù thời điểm đó, Jung đơn thuần dựa vào các quan sát cá nhân mà không có các thiết bị khoa học hỗ trơ. Thông điệp đơn giản là phản ảnh cách mà một người chọn để sạc lại năng lượng _ trạng thái một mình, trái ngược với xu hướng sạc năng lượng bằng cách kết nối, trò chuyện với nhiều người hay hiện diện trong một đám đông nhôn nhịp của những người có tính hướng ngoại mạnh. Định nghĩa này cũng hoàn toàn không sử dụng các tính từ mô tả vẻ bề ngoài như đã đề cập trong các lý thuyết sau đó của Hans Eysenck và trong “The Big Five”.


Để bạn dễ hình dung hơn, mình diễn giải định nghĩa của Carl Jung về người có tính hướng nội mạnh thông qua bốn nhận định sau đây :

  1. Cảm thấy thoải mái khi ở một mình trong thời gian dài.

  2. Cảm thấy sống động, vui vẻ, hòa đồng hơn trong một nhóm nhỏ.

  3. Cảm thấy cạn kiệt năng lượng, mệt mỏi, hay chán khi ở trong đám đông quá lâu.

  4. Sau một sự kiện mà phải giao tiếp nhiều sẽ dành thời gian riêng cho bản thân để cân bằng và sạc lại năng lượng.


Bạn thấy đấy, định nghĩa hướng nội/hướng ngoại là một chủ đề thu hút sự quan tâm của giới khoa học theo dòng chảy khoa học từ hơn một trăm năm qua. Ngày nay, định nghĩa này ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều bạn trẻ chọn định nghĩa này là một phần trong định nghĩa về bản thân và mong được sự đón nhận từ những người xung quanh. Tuy nhiên, những hiểu biết sâu về tính hướng nội và tác động nó lên từng con người vẫn là chủ đề hấp dẫn và cần được khai thác sâu.


Comments


logo_RGB.png

Đăng ký tài khoản tại Tôi & Tính Hướng Nội để nhận nhiều thông tin bổ ích và về các chương trình học tập dành riêng cho người có tính hướng nội.

TÔI & TÍNH HƯỚNG NỘI

EST 2022 

VIỆT NAM

THÔNG ĐIỆP

TÍNH HƯỚNG NỘI

NGƯỜI CÓ TÍNH HƯỚNG NỘI

KỸ NĂNG

LỐI SỐNG

DỊCH VỤ

COACHING

MENTORING

TRAINING

CỘNG ĐỒNG

@2024 toivatinhhuongnoi.com. All rights reserved.

  • Linkedin
  • Facebook
bottom of page