Ba từ khóa quan trọng trong định nghĩa về người có tính hướng nội. (phần 2)
- toivatinhhuongnoi
- Feb 8
- 4 min read
NĂNG LƯỢNG LÀ NGUỒN SỐNG CỦA MỖI NGƯỜI.
Năng lượng là nguồn sống của con người, như xe cần xăng để chạy, như điện thoại cần sạc pin để hoạt động. Hiểu được năng lượng của bản thân giúp cơ thể luôn ở trạng thái đủ đầy năng lượng, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại.
Bài chia sẻ này chúng ta sẽ nói đến từ khóa thứ hai trong định nghĩa của Carl Jung về người có tính hướng nội mạnh. Đó là từ Năng Lượng.
Mọi việc chúng ta làm trong cuộc sống đều cần đến năng lượng – từ việc vận động, suy nghĩ, làm việc, trao đổi thông tin, tương tác với các đồng nghiệp; việc đưa ra các quyết định hay cả việc ngồi chơi cơ thể cũng sản sinh, sử dụng và chuyển hóa năng lượng.
Năng lượng của con người là một hệ thống phức tạp và khoa học hiện đại vẫn chưa đo lường một cách chính xác. Chính vì thế, năng lượng là một khái niệm trở nên trừu tượng, khó hiểu và dễ dàng bị bỏ qua, không được theo dõi, chăm sóc một cách đúng mức.
Năng lượng của con người bao gồm những thành tố nào?
Jim Loehr and Tony Schwartz đã nghiên cứu và chia năng lượng của con người thành 4 nhóm sau: Năng lượng thể chất – năng lượng tinh thần – năng lượng cảm xúc và năng lượng trí tuệ. Các năng lượng này có mỗi quan hệ mật thiết với nhau trong hành trình sống và làm việc hàng ngày của con người. Hiểu được nó, ta sẽ có bức tranh rõ nét hơn về thực tế mức năng lượng của bản thân.
Năng lượng thể chất: là Số lượng của năng lượng tạo ra trong cơ thể con người. Mức năng lượng ngày càng dồi dào, cơ thể mình sẽ càng hoạt động bền vững và năng suất kéo dài. Năng lượng thể chất đến từ việc ăn – ngủ và vận động. Ăn và ngủ là 2 cách tự nhiên bẩm mà ai cũng chú tâm thực hiện đều đặn mỗi ngày. Vận động hay các hoạt động thể dục thể thao là một nguồn tạo ra năng lượng lớn và chất lượng, bền vững cho con người mà chúng ta rất cần lưu ý thực hành.
Năng lượng tinh thần: là sức mạnh của năng lượng thể hiện động lực và mục đích sống của mỗi người. Năng lượng tinh thần truyền cảm hứng cho chúng ta và trả lời câu hỏi lớn như “Tôi là ai?”, “Tôi đến cuộc đời này làm gì”, “Ước mơ lớn trong cuộc đời tôi là gì?”,…Nguồn năng lượng này là sức mạnh thúc đẩy vòng tròn năng lượng trong mỗi người hoạt động tối ưu vì một đích đến trong cuộc sống. Quan sát những người có mục đích sống rõ ràng, bạn sẽ thấy dường như trong họ có một sức mạnh, nguồn lực to lớn để vượt qua nhiều thử thách, thất bại trong cuộc sống.
Năng lượng cảm xúc: là chất lượng của năng lượng trong cơ thể con người. Mức năng lượng này ảnh hưởng đến mức độ kiên cường của chúng ta, đặc biệt là khi đối mặt với những vấn đề phức tạp trong công việc, cuộc sống. Khi có một cảm xúc tốt như hạnh phúc, yêu thương, chúng ta đong đầy niềm vui, niềm tin và hành động nhanh chóng. Ngược lại, khi một cảm xúc xấu như tức giận, năng lượng của chúng ta lập tức đi xuống và ảnh hưởng xấu đến một chuỗi các hoạt động, trải nghiệm phía sau. Cảm xúc càng tích cực thì chất lượng của năng lượng mà chúng ta có càng cao, hiệu quả. Vì vậy, thấu hiểu cảm xúc và chuyển hóa cảm xúc là một kỹ năng vô cùng quan trọng để giữ được nguồn năng lượng dồi dào.
Năng lượng trí tuệ: là độ tập trung của năng lượng. Năng lượng tinh thần ảnh hưởng đến sự tập trung, kiểm soát sự chú ý và khả năng phạm sai lầm của con người. Có thể hiểu đây là cách chúng ta sử dụng nguồn năng lượng của chính mình. Lấy ví dụ: Khi ta cần học một kỹ năng giao tiếp, ta dành mọi sự chú tâm trong lớp học. Khi học, tâm trí ta không để bị phân tâm với các sự kiện, hoạt động bên ngoài. Song song đó, ta dành thời gian thực hành mỗi ngày với ít sự kháng cự. Ngược lại, nếu ai đó bắt ta làm một điều gì mà ta không thích, ví dụ như cha mẹ bắt con học thêm toán, môn mà con không thích, thì con sẽ làm với ít sự chú tâm hơn, nếu không muốn nói là khiên cưỡng.
4 nguồn năng lượng này bổ trợ điều hòa lẫn nhau. Vì vậy, việc hiểu và quan sát cách tạo – sử dụng nguồn năng lượng một cách điều hòa sẽ giúp con người duy trì một nguồn năng lượng dồi dào, sống có ý nghĩa.
Nếu không thể đo lường thì làm thế nào để nhận biết năng lượng của bản thân?
Như ta đã biết, năng lượng của con người rất khó đo lường bằng máy móc, nhưng may mắn là chúng ta có thể quan sát và đánh giá được bản thân đang ở trạng thái năng lượng nào: cao hay thấp.
Dưới đây là bảng gợi ý trạng thái năng lượng của con người, ứng với 4 nhóm năng lượng:




Năng lượng sinh ra – mất đi vì vậy việc tái tạo năng lượng thường xuyên là cần thiết.
Để có thể hiểu được mức năng lượng của bản thân, có nghĩa là bạn cần chủ động quan sát năng lượng của mình mỗi ngày. Nếu ở năng lượng cao thì bạn thỏa sức sử dụng. Nếu năng lượng thấp thì bạn cần điều chỉnh năng lượng mỗi ngày nhằm nhu cầu của cuộc sống: trong gia đình, công ty, xã hội và với cả bản thân. Chúng ta không chỉ chuẩn bị năng lượng cho đời sống hàng ngày mà còn chuẩn bị năng lượng để thực hiện những mục tiêu, tầm nhìn xa 5-10 năm hay thậm chí là ước mơ lớn trong đời mà bạn được sống.
Comments