top of page

Ba giai đoạn quan trọng trong hành trình trưởng thành của một người có tính hướng nội.


Hành trình thầm lặng nhưng cực kỳ mạnh mẽ của người có tính hướng nội.

 

  1. Bạn có đang loay hoay che giấu con người thật, chỉ để cố gắng hòa nhập với thế giới xung quanh?

  2. Bạn có đang cảm thấy mâu thuẫn giữa việc khát khao theo đuổi đam mê và áp lực phải đáp ứng kỳ vọng của xã hội?

  3. Liệu bạn đã thực sự tự tin với bản chất hướng nội của mình và khai phá hết tiềm năng của bản thân?


Từ những e ngại, rụt rè của tuổi trẻ, đến những mâu thuẫn, giằng xé trong giai đoạn trưởng thành, và cuối cùng là sự tự tin, an nhiên khi hiểu rõ bản ngã. Hành trình nhận thức và phát triển bản thân của người có tính hướng nội là một hành trình đầy cảm xúc. Hành trình này mang những dấu ấn riêng nhưng có những điểm chung nhất định.


Bài viết này sẽ dẫn dắt bạn qua ba giai đoạn thường gặp trong nhận thức về bản thân của người có tính hướng nội, dựa trên chính những cuộc trò chuyện và chia sẻ của những người có tính hướng nội.

 

Giai đoạn 1: Tuổi Thơ Lặng Lẽ

Giai đoạn này thường diễn ra từ thuở ấu thơ đến khoảng 18 tuổi. Ở giai đoạn này, các bạn trẻ chưa có nhiều kiến thức và trải nghiệm về bản thân, dễ nhạy cảm và bị tác đông bởi với những đánh giá từ môi trường xung quanh. Giai đoạn này, các bạn trẻ có thể cảm thấy lạc lõng, khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa, dễ bị áp đặt bởi những kỳ vọng của người lớn.

U - một người bạn hướng nội từng chia sẻ: "Từ nhỏ, em đã thích tự chơi, tưởng tượng và viết nên những câu chuyện của riêng mình hơn là tham gia các trò chơi tập thể ồn ào. Em bị thu hút bởi thế giới của những trang sách, những trò chơi lắp ghép hơn là thế giới náo nhiệt bên ngoài."


Hiểu biết về bản thân: Ở giai đoạn này, người có tính hướng nội thường được nhận diện qua những biểu hiện bên ngoài như ít nói, thích ở một mình, ngại giao tiếp, nhút nhát... Các bạn thường bị hiểu nhầm là nhút nhát, hay khác biệt, thậm chí là lập dị. Nhưng thực chất, các bạn nhỏ chỉ đơn giản là cảm thấy thoải mái hơn khi được ở một mình hoặc trong một nhóm nhỏ thân thiết. Các bạn chưa hiểu khái niệm về năng lượng, nhưng cảm nhận được rõ là họ dường như bị "hút cạn" sau những lần giao tiếp nhiều hay gặp gỡ những người lạ.


Nỗi sợ: Nỗi sợ thường gặp của các bạn nhỏ có tính hướng nội lúc này là không được chấp nhận, sợ bị bỏ rơi và cô lập. U từng chia sẻ: "Em đã từng cố gắng che giấu con người thật, ép mình tham gia những trò chơi tập thể cùng với bạn bè trong một nhóm đông lớn, chỉ để mong muốn được thuộc về tập thể." Các bạn trẻ có thể bị loay hoay trong việc định nghĩa bản thân, không hiểu vì sao lúc mình thế này, lúc mình thế khác. Rốt cục, các bạn bị rày vò bởi câu hỏi: mình thực sự muốn gì và tại sao mình lại khác biệt đến vậy?


Giải pháp: Sự hỗ trợ từ gia đình, đặc biệt là ba mẹ, thầy cô đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người lớn cần hiểu rõ về bản tính hướng nội, cần kiên nhẫn lắng nghe, thấu hiểu và tạo cho bạn trẻ cảm giác an toàn biểu đạt bản thân một cách tự nhiên. Như câu chuyện của U, thay vì ép buộc phải thay đổi, cha mẹ U đã dành thời gian để lắng nghe, thấu hiểu và tạo điều kiện cho U phát triển những sở thích cá nhân. Nhờ đó, U dần cảm thấy tự tin hơn về bản thân, cho phép mình khác biệt nhưng vẫn đóng góp cho cộng đồng chung theo cách của riêng mình.


Còn bạn, bạn có còn nhớ những trải nghiệm của tuổi thơ đã góp phần tạo nên con người bạn ngày hôm nay?


Giai đoạn 2: Giằng xé trong giai đoạn trưởng thành

Bước vào giai đoạn trưởng thành (khoảng từ 18-30 tuổi), người có tính hướng nội phải đối mặt với những áp lực mới từ học tập, công việc, các mối quan hệ xã hội... Đây là giai đoạn quan trọng để họ định hình giá trị bản thân, xác định mục tiêu và định hướng tương lai.

Nhiều bạn trẻ không muốn hay không chấp nhận "ẩn mình" như trước, mà chủ động tìm kiếm thông tin, kết nối với những người có chung đặc điểm để hiểu rõ hơn về bản thân. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn đầy thử thách, khi họ phải đối mặt với nhiều luồng thông tin từ các môi trường khác nhau, khiến họ dễ dàng bị "rối" trong việc định vị bản thân.

M - một cô giáo dạy Yoga chia sẻ về giai đoạn này của chính mình bằng thông điệp: “Giai đoạn đó, em có sự giằng xé rất lớn. Lúc đó là giai đoạn mà sự tiêu cực tác động đến mình nhiều nhất.”


Hiểu biết về bản thân: Họ bắt đầu nhìn nhận rõ hơn về thực tế cuộc sống và bản chất con người mình. Các bạn có thể bị rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ, tự ti, nghi ngờ bản thân. Họ có thể nhận ra được sự khác biệt về mặt năng lượng - họ mâu thuẫn với nhu cầu sạc đầy bản thân ở trạng thái một mình và nhu cầu thuộc về cộng đồng nơi họ đang sinh hoạt.


Nỗi sợ: Mâu thuẫn nội tâm là điều thường trực ở giai đoạn này. Họ khao khát được theo đuổi đam mê, nhưng lại sợ thất bại, sợ không được gia đình, xã hội ủng hộ. Họ muốn xây dựng những mối quan hệ sâu sắc, nhưng lại e ngại việc phải mở lòng, chia sẻ nhiều bản thân, nhất là những câu chuyện mà các bạn cho là rất riêng tư. Sự giằng xé giữa việc đáp ứng cho bản thân hay chạy theo kỳ vọng của người khác, của xã hội, của học tập, hay môi trường làm việc khiến cho việc sống đúng, chân thật với bản chất hướng nội làm họ cảm thấy bị thua thiệt và bị đánh giá, chỉ trích.


Giải pháp: Giai đoạn này có thể kéo dài trong nhiều năm. Q.A từng chia sẻ trong một buổi Trò chuyện cùng Trạm Sạc rằng, mình mất 10 năm để hiểu và chấp nhận bản tính hướng nội của chính mình. Vì vậy, đừng quá thất vọng về bản thân nếu bạn đang ở giai đoạn này. Thay vào đó, tiếp tục kiên nhẫn học cách lắng nghe nhu cầu bản thân là chìa khóa quan trọng. Đặc biệt, cần cân bằng giữa nhu cầu sạc đầy ở trạng thái một mình và kết nối với thế giới. Song song đó, xác định giá trị cốt lõi và mục tiêu cuộc sống là chìa khóa để vượt qua giai đoạn này. Từng bước, bước ra khỏi vùng an toàn, thử sức với những điều mới mẻ, và coi nó như một cơ hội để trưởng thành. Đồng thời, đừng ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người bạn tin tưởng, như bạn thân, thầy cô giáo, người mentors/người coach để bạn có thể đi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn này.


Nếu bạn đang ở giai đoạn này, hãy dành thời gian ghi ra và nhận thức rõ hơn về những thách thức mà bạn đang gặp phải hay gặp thường xuyên, liên tục.


Giai đoạn 3: Chấp nhận và học hỏi để chuyển hóa

Sau tuổi 30, người có tính hướng nội đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống, có cái nhìn chín chắn hơn về bản thân và thế giới xung quanh. Họ bước vào giai đoạn phát triển ổn định và bền vững, tự tin khẳng định giá trị bản thân ít bị chi phối bởi những đánh giá bên ngoài, mà tự tin hơn trong việc khẳng định giá trị của bản thân.


Hiểu biết về bản thân: Họ thấu hiểu rằng tính hướng nội chỉ là một phần trong bức tranh đa sắc của con người mình. Họ biết cách tận dụng những điểm mạnh của người có tính hướng nội như: khả năng lắng nghe, đồng cảm, làm việc độc lập, sự sáng tạo trong môi trường yên tĩnh... để tạo nên những thành công trong công việc và cuộc sống.


Nỗi sợ: Áp lực giai đoạn này là sự cân bằng bản thân và sự nghiệp. Nỗi sợ tồn tại nhưng thay vì tránh né, họ học cách đi xuyên qua nó. Lúc này nỗi sợ được chuyển hóa thành động lực để người có tính hướng nội không ngừng phát triển. Họ nhận ra nỗi sợ khi đối đầu với những thử thách nhưng coi đó là cơ hội để tôi luyện bản thân. Họ dũng cảm hơn khi theo đuổi đam mê, sống có mục đích và tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng.


Giải pháp: Chấp nhận rằng hướng nội là một phần không thể thiếu trong con người mình. Thay vì chạy theo thế giới chuyển động không ngừng bên ngoài, người có tính hướng nội ở giai đoạn này cần học cách thiết lập cho mình những trạm ngừng nghỉ phù hợp, để sạc đầy, làm giàu thêm năng lượng của bản thân cho chặng đường dài phía trước. Không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng sống là chìa khóa giúp họ tự tin vào bản thân hơn. Chủ động xây dựng những mối quan hệ chất lượng, tham gia vào những hoạt động cộng đồng tích cực để học hỏi và nâng cao giá trị của bản thân thay cho việc chỉ một mình để sạc đầy.


Nếu bạn đang ở giai đoạn này, đâu là những điều bạn ghi nhận nỗ lực của bản thân trong việc hiểu và chấp nhận bản tính hướng nội riêng mình?

 

KẾT LUẬN

Mỗi người có tính hướng nội sẽ trải qua ba giai đoạn trên theo một cách khác nhau. Mỗi giai đoạn đều có những thách thức và cơ hội riêng. Xác định được giai đoạn mình đã và đang trải qua là một nhận thức quan trọng, giúp bạn hiểu rõ hơn về chính mình. Điều quan trọng là chúng ta cần hiểu rõ bản thân, tôn trọng sự khác biệt và không ngừng nỗ lực để phát triển bản thân theo hướng tích cực. Hãy nhớ rằng, bạn là duy nhất và bạn hoàn toàn có thể tỏa sáng theo cách riêng hướng nội của riêng mình!

Comentários


logo_RGB.png

Đăng ký tài khoản tại Tôi & Tính Hướng Nội để nhận nhiều thông tin bổ ích và về các chương trình học tập dành riêng cho người có tính hướng nội.

TÔI & TÍNH HƯỚNG NỘI

EST 2022 

VIỆT NAM

THÔNG ĐIỆP

TÍNH HƯỚNG NỘI

NGƯỜI CÓ TÍNH HƯỚNG NỘI

KỸ NĂNG

LỐI SỐNG

DỊCH VỤ

COACHING

MENTORING

TRAINING

CỘNG ĐỒNG

@2024 toivatinhhuongnoi.com. All rights reserved.

  • Linkedin
  • Facebook
bottom of page